Giải Thể Doanh Nghiệp

GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

“Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2021”

Việc khai sinh tức thành lập doanh nghiệp đơn giản hơn việc khai tử tức giải thể doanh nghiệp rất nhiều. Giải thể doanh nghiệp là thủ tục gồm nhiều bước và trải qua nhiều cơ quan khác nhau để có được quyết định cho phép giải thể doanh nghiệp. Global Detective xin giới thiệu tới quý khách hàng một số quy định liên quan đến việc giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh Nghiệp 2020.

Điều kiện để giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi:

  • Bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác
  • Không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn tự nguyện giải thể thì sẽ thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Thông qua Quyết định về việc giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Chữ ký của người có thẩm quyền;

Bước 2: Tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp;

Bước 3: Nộp thông báo giải thể, quyết định giải thể tới Phòng Đăng Ký Kinh Doanh, cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp để thực hiện thủ tục đăng bố cáo giải thể lên cổng thông tin.

Bước 4: Thực hiện thanh toán các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên:

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động;
  • Nợ thuế;
  • Các khoản nợ khác còn lại.

Bước 5: Tài sản sau khi thanh toán nghĩa vụ tài chính còn lại sẽ chia lại cho thành viên, cổ đông công ty.

Bước 6: Hoàn tất và cập nhật tình trạng giải thể doanh nghiệp khi Sở kế hoạch đầu tư không nhận được ý kiến phản đối của các cơ quan có liên quan.

Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ để chốt giải thể doanh nghiệp

1.Sở kế hoạch đầu tư: Gửi hồ sơ đến Sở kế hoạch đầu tư để thực hiện việc giải thể doanh nghiệp.

Hồ sơ lần 1: Hồ sơ bố cáo về giải thể doanh nghiệp, gồm:

  • Thông báo giải thể;
  • Quyết định giải thể;
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc giải thể doanh nghiệp

Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định và biên bản họp về việc giải thể.

Hồ sơ lần 2: Hồ sơ đề nghị giải thể doanh nghiệp:

  • Thông báo giải thể;
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
  • Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).

Thời hạn nộp hồ sơ: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

2. Tổng cục Hải Quan: Sau khi doanh nghiệp đăng quyết định giải thể trên cổng thông tin thì doanh nghiệp thực hiện Gửi công văn đến Tổng Cục Hải Quan để xác nhận nghĩa vụ hải quan của công ty nhằm giải thể doanh nghiệp.

3. Bảo hiểm xã hội: Gửi hồ sơ chốt bảo hiểm xã hội cho người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động;

4. Cơ quan quản lý thuế trực tiếp:

Hồ sơ quyết toán thuế được xem là hồ sơ quan trọng và phức tạp nhất trong toàn bộ quá trình giải thể doanh nghiệp. Trình tự thực hiện quyết toán thuế tại cơ quan quản lý thuế:

  • Nộp văn bản yêu cầu đóng mã số thuế lên cơ quan thuế kèm bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp;
  • Chuẩn bị các hồ sơ thuế của công ty để phục vụ cho việc quyết toán thuế, bao gồm: Sổ phụ ngân hàng tới thời điểm giải thể; Sổ sách kế toán tới thời điểm giải thể; bảng cân đối phát sinh tới thời điểm giải thể; nhật ký chung tới thời điểm giải thể,….
  • Làm việc với cơ quan thuế và đóng các khoản thuế chưa nộp, nộp phạt (nếu có);
  • Cơ quan thuế căn cứ vào các hồ sơ quyết toán của doanh nghiệp và truyền dữ liệu sang Sở kế hoạch đầu tư để trả lời nghĩa vụ thuế nhằm hoàn tất hồ sơ giải thể của doanh nghiệp.

Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể

Kể từ khi có quyết định giải thể, các hoạt động sau đây bị cấm:

  • Cất giấu, tẩu tán tài sản;
  • Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
  • Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
  • Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
  • Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
  • Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
  • Huy động vốn dưới mọi hình thức.

Tùy theo tính chất và mức độ, cá nhân có hành vi vi phạm trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật với tư cách cá nhân.

Global Detective luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện giải thể doanh nghiệp. Vui lòng liên hệ với Global Detective để được hỗ trợ kịp thời và tiết kiệm thời gian, chi phí.